Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Kinh Mân Côi Đơn Sơ Và Quyền Lực.


Kinh Mân Côi phải vừa đọc vừa suy. Chúng ta đọc lời ca tụng Chúa và Đức Mẹ, đồng thời lòng trí suy về mầu nhiệm Nhập Thể, hoặc Khổ Nạn hay Phục Sinh. Nhờ sự hoà hợp của lời kinh sốt sắng và lòng tin mạnh mẽ, chúng ta nhận được thần lực bởi kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi Đơn Sơ Và Quyền Lực 
Ai trong chúng ta lại chẳng biết kinh Mân Côi, và đã từng chẳng đọc kinh Mân Côi nhiều lần. Tuy nhiên, có nhiều người thấy được vẻ đơn sơ của kinh Mân Côi, nhưng ít người hiểu được tính chất thâm sâu của kinh Mân Côi và lãnh được thần lực của kinh nhiệm mầu này. Thánh phụ Đaminh, người con yêu được Đức Mẹ trao cho tràng hạt và sứ mệnh tryền bá kinh Mân Côi đã bày tỏ: "Kinh Mân Côi là một kinh dễ dàng đơn giản, nhưng rất đẹp lòng Đức Mẹ, rất thích đáng để kéo lòng Chúa thương xót và cứu rỗi các dân tộc. Đó là một đặc ân từ trời trô giúp, hiệu lực trong mọi hoàn cảnh khó khăn". Đức Mẹ, khi hiện ra ở Fatima, đã nói: "Nếu người ta lần hạt Mân Côi mỗi ngày, thì hoà bình sẽ trở về trên thế giới." (Marie sous le symboke du coeur, pp 181-188)

Xét theo chất thể, kinh Mân Côi gồm các kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Kinh Lạy Cha là lời nguyện thâm trầm chính Đức Kitô đã dạy cho các môn đệ của Ngài cầu nguyện. Kinh Kính Mừng là lời Tổng Thần Gabriel chào Đức Mẹ khi được Thiên Chúa sai đem tin cho Đức Mẹ làm Mẹ Chúa Cưu Thế. Kinh Sáng Danh là lời tung ho vắn tắt ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là mẫu tuyên xưng Đức Tin giản lược của Giáo Hi thời sơ khai về Ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau. Hình như nền tảng kinh Sáng Danh được rút từ công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi trong Matthêu 28:19. Về ý nghĩa, ba mùa Vui, Thương, Mừng của kinh Mân Côi tượng trưng ba giai đoạn chính của cuộc đời Chúa Cứu Thế: Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh. Theo nghĩa đó, kinh Mân Côi qủa là bản Phúc Âm rút gọn trong tương quan giữa Chúa Cứu Thế với Đức Mẹ. Kinh Mân Côi cho thấy Đức Mẹ đã cọng tác chặt chẻ với Chúa Cứu Thế trong mầu nhiệm Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh. Đức Mẹ đã chịu thai và sinh hạ Chúa Cứu Thế, đã đứng dưới chân thánh giá để đồng công với Con Chí Thánh trong giờ đau khổ nhất hầu cho toàn thánh ý Đức Chúa Cha, và đả được về trời hưởng vinh quang Đức Kitô Phục Sinh. Vì thế, kinh Mân Côi cũng được gọi là bản toát lược cuộc đời Chúa Cứu Thế và Đức Mẹ (W.Ạ Hinnebusch. New Catholic Encvl. vol. XIỊ pp 667-670)

Trong thực hành, kinh Mân Côi phải vừa đọc vừa suy. Chúng ta đọc lời ca tụng Chúa và Đức Mẹ, đồng thời lòng trí suy về mầu nhiệm Nhập Thể, hoặc Khổ Nạn hay Phục Sinh. Nhờ sự hoà hợp của lời kinh sốt sắng và lòng tin mạnh mẽ, chúng ta nhận được thần lực bởi kinh Mân Côi. Thánh Alanô nói "Kinh Mân Côi là khí giới rất mạnh chống lại hoả ngục, tẩy trừ các nết xấu, tiêu diệt tội lỗi và phá tan các tà thuyết." Chính nhờ quyền lực kinh Mân Côi mà người Công Giáo đã chiến thắng vẻ vang trên người Hồi giáo tại vịnh Lepante ngày 7.10.1571. Để ghi nhớ ơn Đức Mẹ, Đức Piô V đã lập lễ Mẹ Mân Côi vào ngày 1.10.1572. Cũng nhờ kinh Mân Côi mà Thánh Phụ Đaminh đã dẹp tan bè rối Albigense gieo rắc lạc thuyết đầu độc Đức Tin Công Giáo.

Ý thức được quyền lực kinh Mân Côi, các Đức Thánh Cha đã tận tình mộ mến và cổ võ cho kinh Mân Côi. Đức Piô IX nói: "Cha khuyên các con hãy đọc kinh Mân Côi mỗi buổi tối trong gia đình. Tràng hạt Mân Côi là kho tàng cao quí nhất của Giáo Hội." Đức Lêô XIII, vị Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi đã lần lượt ban hành 12 Thông Điệp và 10 văn kiện về thành tâm tôn kính Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi, nhất là trong tháng 10 biệt kính Mẹ Mân Côi. Trong 13 văn kiện của Đức Gioan XXIII nói về Mẹ Mân Côi, thì phải kể Tông Thơ về Kinh Mân Côi, ban hành ngày 29.9.1961, là đặc biệt nhất. Đức Phaolô VI đề cập đến Đức Mẹ về nhiều phương diện trong 315 văn kiện, trong số đó có 14 văn kiện nói về kinh Mân Côi. Ngài còn nói một câu bất hủ trong buổi triều yết ngày Lễ Mẹ Mân Côi năm 1963: "Không ai có lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria cho bằng Giáo Hoàng". Đức Gioan Phaolô II hiện nay, với khẩu hiệu "TOTUS TUUS", Hoàn Toàn Thuộc Về Mẹ, đã bày tỏ lòng tín thác đặc biệt nơi Đức Mẹ qua lời nói khi vừa đắc cử: "Tôi sợ nhận chức vụ này, nhưng tôi đã nhận trong tinh thần vâng phục Chúa và hoàn toàn tin tưởng vào Mẹ Ngài." Riêng về kinh Mân Côi, Ngài đã tóm tắt trong lời "so rich, so simple", rất phong phú và đơn giản (Papal teachings, The Holy Rosary, selected and arranged by Benedictine Monks of Solesmes, translated by Rev. Paul J. Oligny, OFM, St. Paul Editions, 1980. pp 115-181 ).

Tín hữu Việt Nam vốn nổi tiếng về lòng kính mến Đức Mẹ, đặc biệt mô mến kinh Mân Côi. Do đó đã đưỡc hưởng nhờ nhiều ơn phù trợ của Đức Mẹ. Qủa thật, biết bao anh chị em nhờ kinh Mân Côi mà tìm được niềm an ủi trong những năm tháng tù đày khổ cực, hoặc vượt qua sóng gió hiểm nguy của biển cả, đến đất tự do bằng yên...Vậy chớ chi Tháng Mân Côi là dịp tốt để chúng ta thi đua tỏ lòng mến yêu Đức Mẹ bằng việc sốt sắng lần hạt và sống các Mầu Nhiệm Mân Côi!